Home Tin tức Du khách Trung Quốc ồ ạt nhập cảnh qua cửa khẩu Móng Cái: Nguy cơ hay cơ hội phát triển du lịch?

Du khách Trung Quốc ồ ạt nhập cảnh qua cửa khẩu Móng Cái: Nguy cơ hay cơ hội phát triển du lịch?

Trước việc du khách Trung Quốc ồ ạt nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) những ngày qua, dư luận tỏ ra lo ngại vì có thể gây ra cảnh “vỡ trận” du lịch, đặc biệt là tại khu di sản thế giới Vịnh Hạ long. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp cho rằng: Không nên lo ngại mà hãy coi đây là cơ hội để phát triển du lịch. Vấn đề đặt ra là năng lực doanh nghiệp, quyết tâm của các cơ quan chức năng đến đâu?

Những hình ảnh ấn tượng

Những ngày cuối tuần qua, lượng du khách đường bộ Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) tăng đột biến, lên tới 10.000-15.000 khách/ngày, trong khi lượng khách trung bình ngày qua cửa khẩu này chỉ khoảng 4.000-5.000 khách.

Những hình ảnh du khách Trung Quốc đội mưa xếp hàng dài hàng kilomet bên cửa khẩu Đông Hưng (Trung Quốc) chờ xuất cảnh sang Móng Cái, đăng trên Lao Động, đã thực sự gây ấn tượng mạnh đối với bạn đọc và là “nguồn kinh tế” hấp dẫn ít nhất là đối với những người làm du lịch.

Tại các điểm tham quan trên vịnh Hạ Long, du khách Trung Quốc cũng chen chân nhau tại các điểm chờ và trên thuyền, đò… Ngày 21.3, lượng khách đã giảm “nhiệt”, nhưng vẫn ở mức khá cao – từ 7.000-8.000 khách. Một số thông tin cho rằng, lượng khách Trung Quốc – Quảng Ninh dịp này tăng mạnh một phần do du khách Trung Quốc bị cấm ở một số nước.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái mỗi năm một tăng, với khoảng 500.000 khách năm 2016.

Đặc biệt vào dịp tết và sau Tết Nguyên đán, lượng khách thường tăng đột biến và giảm dần sau đó, nhưng vẫn duy trì trung bình khoảng 5.000 khách/ngày.

Theo một chuyên gia du lịch, khách Trung Quốc “chuộng” thị trường Việt Nam là do các Cty lữ hành Việt Nam, trước sức ép của các đối tác Trung Quốc, đã đua nhau đại hạ giá tour, thậm chí 0 đồng, du khách vẫn có thể thăm Việt Nam 3 đêm, 4 ngày.

Để bù lại giá tour dưới giá thành, thậm chí bằng không, như báo Lao Động đã có nhiều bài phản ánh từ nhiều năm qua, doanh nghiệp hai nước phối hợp với các HDV bày ra một loạt các ma trận để vừa dụ dỗ, vừa ép khách mua hàng, sử dụng dịch vụ với giá “cắt cổ”.

Trong đó, hàng loạt các điểm bán hàng chỉ phục vụ khách Trung Quốc mọc lên nhan nhản ở Móng Cái, Hạ Long và mới xuất hiện thêm tại Mạo Khê, thị xã Đông Triều là những địa chỉ “chăn” khách kinh hoàng, với doanh số/ngày và mức chia chác “khủng” giữa các bên, nhưng nguồn thuế thu được không đáng là bao.

Đừng đổ lỗi cho du khách

Với đà hiện nay, theo tính toán, lượng khách Trung Quốc nhập cảnh qua cửa khẩu Móng Cái sẽ tiếp tục tăng. Với khoảng 500.000 khách/năm 2016, thu ngân sách ở mức tối thiểu chỉ từ 2 nguồn: Visa và thăm vịnh Hạ Long cũng đã lên tới trên 330 tỉ đồng.

“Khách sạn 3 sao cho khách Trung Quốc giá cũng chỉ 300.000 đồng/đêm; hạng thấp hơn giá từ 150.000 – 200.000 đồng/đêm. May còn có khách Trung Quốc, nếu không thì biết lấy gì nuôi nhau. Hơn nữa, họ cũng chỉ ngủ qua đêm một vài tiếng, sáng dậy sớm để đi tiếp nên điện, nước không tốn; chỉ mất công giặt lại ga giường” – anh Nguyễn Đình Nam – một chủ khách sạn tại phường Bãi Cháy, Hạ Long – cho biết.

Trong khi đó, theo anh Trần Văn Minh – một chủ tàu du lịch trên vịnh Hạ Long – dù chấp nhận giá “bèo”, nhưng nếu không có khách Trung Quốc, các tàu tham quan ban ngày sẽ chỉ hoạt động khoảng 60-70% công suất/năm.

Hiện, khách Trung Quốc đến Quảng Ninh cũng khá đa dạng, trong đó khách đến bằng đường biển thường là khách hạng sang, quy củ hơn và khách đường bộ qua cửa khẩu Móng Cái, thuộc dòng khách bình dân.

Có ý kiến cho rằng nên tính toán hạn chế dòng khách này vì thường hay lộn xộn và thực thu từ nguồn khách này không lớn. Tuy nhiên, các chuyên gia du lịch cho rằng, để xảy ra những vấn đề trên, lỗi không hoàn toàn thuộc về du khách, mà có phần ở các cơ quan quản lý.

Tại một cuộc họp giữa các HDV với lãnh đạo các sở, ngành liên quan, một HDV cho biết: Để bù lại giá tour bằng 0, nhiều HDV nửa đêm còn gõ phòng khách sạn, thuyết phục, dọa dẫm khách cho đến khi nào chịu mua vé thăm thêm một số cảnh điểm, với giá cao gấp nhiều lần giá thực. Tại các điểm bán hàng cho khách Trung Quốc, nếu khách nào không chịu xuống xe, tài xế sẽ… tắt điều hòa.

Như vậy, để quản lý tốt du lịch ở đây, ngoài trên 330 tỉ đồng mức thu tối thiểu từ visa và thăm vịnh Hạ Long/năm, nếu quản lý tốt các dịch vụ “ăn theo” vừa có thể bảo vệ quyền lợi của du khách, vừa tăng thêm được thu khổng lồ từ dòng khách này.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hương: Tổng cục Du lịch sẽ chấn chỉnh, tăng cường quản lý…

Sự việc gần đây tại Quảng Ninh, Tổng cục Du lịch sẽ sớm có công văn gửi xuống các sở, ban, ngành liên quan để chấn chỉnh, tăng cường biện pháp quản lý nhằm giảm tải những sự việc đáng tiếc xảy ra, tránh gây ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè nước ngoài.

Thiết nghĩ, bất kỳ khách du lịch nào cũng luôn mong muốn nhận được sự trân trọng, hiếu khách và mở rộng lòng đón nhận của người dân bản xứ thay vì cách phân biệt đối xử giữa khách nội địa hay quốc tế. Thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các cấp quản lý, đưa ra một số biện pháp kiểm soát chặt chẽ, thích ứng phù hợp nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, góp phần đưa Việt Nam trở thành địa chỉ tốt, không thể thiếu trong sự lựa chọn của mỗi du khách quốc tế. M.K (ghi)

Nguồn: Công Ty Dịch Thuật Phú Ngọc Việt sưu tầm – dịch vụ visa, Gia hạn visa

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.