(TBKTSG Online) – Trao đổi với Thời báo kinh tế Sài Gòn Online ngày 1-7, ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, hiện thành phố đang tìm biện pháp quản lý lao động nước ngoài, sau một thời gian dài lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức.
Theo số liệu của các doanh nghiệp có đăng ký giấy phép cho lao động nước ngoài do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM cung cấp sáng nay, số lượng đăng ký tăng theo từng năm. Năm 2007 chỉ cấp phép cho 1.800 lao động nước ngoài; năm 2008 đã cấp thêm cho 2.500 người và chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, số lao động nước ngoài được cấp phép là gần 1.700 người.
Tổng cộng, từ năm 2002 đến nay, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TPHCM đã cấp phép cho 12.500 lao động nước ngoài làm việc tại TPHCM.
Tuy vậy, đây chỉ là con số những lao động có đăng ký và được cấp giấy phép lao động, số lao động không đăng ký thì Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TPHCM cũng không thể biết được.
Trong một cuộc họp về vấn đề quản lý lao động nước ngoài được tổ chức gần đây, ông Lê Thanh Bình, Phó giám đốc Công an TPHCM cho biết, hiện có khoảng 50.000 người nước ngoài đang cư trú trên địa bàn thành phố.
Riêng 6 tháng đầu năm 2009, cơ quan chức năng đã xử lý 569 trường hợp người nước ngoài có những vi phạm pháp luật; trong đó, đã buộc xuất cảnh 168 người có quốc tịch thuộc các nước châu Phi.
Đồng thời, qua nguồn tin từ công an các cấp quận huyện báo lên cho thấy số lao động nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp, nhà xưởng chưa qua đăng ký lên đến gần 5.000 trường hợp.
Vì sao khó quản lý?
Ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TPHCM cho rằng, sở dĩ lao động nước ngoài nhiều như hiện nay một phần là do sau khi gia nhập WTO, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài được nhà nước coi trọng nên những quy định về tuyển dụng và sử dụng lao động nước ngoài có phần thông thoáng hơn trước. Từ đó đã tạo điều kiện cho lao động nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam ngày càng nhiều hơn.
Theo ông Tâm, việc quản lý đầu vào của lao động nước ngoài hiện nay rất khó khăn do họ có thể vào được thông qua việc nhà thầu nước ngoài nhận thầu thi công các dự án như cải thiện môi trường nước, dự án xây dựng cầu đường… đưa vào làm việc.
Cũng theo ông Tâm, một lý do nữa là chính bản thân doanh nghiệp không tự giác đăng ký giấy phép cho lao động nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp hiện nay có sử dụng lao động nước ngoài nhưng không đăng ký, đến khi thanh tra lao động phát hiện và xử phạt thì họ nộp phạt rồi mới đăng ký.
Một bộ phận doanh nghiệp chỉ đăng ký cho số lao động đủ điều kiện, còn số còn lại không đủ điều kiện đăng ký giấy phép do không có văn bằng đại học hoặc chứng nhận 5 năm kinh nghiệm nhưng doanh nghiệp vẫn sử dụng.
Đơn cử như trường hợp Công ty giày Pou Yuen (quận Bình Tân), cơ quan quản lý phát hiện có 900 lao động nước ngoài đang làm việc, nhưng số liệu được đăng ký chỉ hơn 300 người. Không những thế, số lao động không hợp pháp còn lại đều có thời gian làm việc dài hạn.
Cũng có nhiều doanh nghiệp quản lý theo hình thức công ty gia đình, chủ đầu tư tìm cách đưa người thân, người quen sang làm việc dù những người này không đủ điều kiện làm việc tại Việt Nam. Những trường hợp này Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TPHCM không thể nắm được con số do doanh nghiệp không báo cáo lên.
Sở nói sẽ quyết liệt hơn!
Từ đầu năm đến nay, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TPHCM đã thanh tra 171 doanh nghiệp, phạt 14 công ty vi phạm tuyển dụng và sử dụng lao động nước ngoài với số tiền là 75 triệu đồng.
Ông Huỳnh Tấn Dũng, Chánh thanh tra sở, trong trao đổi sáng nay với Thời báo kinh tế Sài Gòn Online cho biết, khi thanh tra nhiều doanh nghiệp và phát hiện là đã có quyết định xử phạt trước đó nhưng họ vẫn không nộp phạt; thanh tra phải áp dụng biện pháp đề nghị phong tỏa tài khoản thì doanh nghiệp mới chịu nộp phạt. Nhiều doanh nghiệp nộp phạt xong vẫn tiếp tục vi phạm vì mức phạt quá nhẹ.
Trước tình hình như vậy, ông Tâm cho biết, Ủy ban nhân dân TPHCM và các sở, ngành liên quan sẽ tăng cường tuyên truyền về Luật Quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam cho doanh nghiệp nước ngoài, tiếp tục thanh tra 400 doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài để nắm tình hình lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp này.
Về việc nhà thầu có sử dụng lao động nước ngoài, Sở Xây dựng sẽ theo dõi, kiểm tra sát sao hơn, tránh để tình trạng lao động nước ngoài vào tràn lan do nhà thầu tuyển dụng tự do.
Bên cạnh đó, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh TPHCM sẽ kiên quyết không gia hạn visa cho những đối tượng người nước ngoài làm việc không có giấy phép lao động, xử lý triệt để những trường hợp cư trú không đúng mục đích nhập cảnh; đồng thời sẽ không chuyển mục đích nhập cảnh cho những người chuyển từ visa du lịch sang visa lao động đối với những người sau khi đến Việt Nam du lịch rồi ở lại làm việc.