Nghị định 07/2017/NĐ-CP của Chính phủ cho phép công dân của 40 nước trên thế giới được nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích du lịch, tìm kiếm đối tác kinh tế…. thông qua hệ thống thị thực điện tử (e-visa) kể từ ngày 1/2/2017. Đây được xem là bước tiến mới của Chính phủ với quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, đồng thời là bước ngoặt quan trọng trong công tác quản lý XNC.
Theo thống kê từ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính từ ngày 1/2 đến nay, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã tiếp nhận 233 hồ sơ người nước ngoài được cấp thị thực điện tử sẽ nhập cảnh qua các cửa khẩu do Bộ đội Biên phòng quản lý. Trong đó, các đơn vị Biên phòng đã tiến hành làm thủ tục thị thực điện tử cho 40 khách XNC. Cũng theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, ngay sau khi Nghị định 07/2017/NĐ-CP có hiệu lực, nhiều du khách quốc tế đã đăng ký để được cấp thị thực điện tử vào Việt Nam. Qua trao đổi về hình thức cấp thị thực điện tử, nhiều hành khách người nước ngoài đánh giá cao về tính thuận tiện trong việc khai báo nhân thân, phương thức cấp khoa học, hình thức kiểm soát tại các cửa khẩu nhanh chóng nên họ rất hài lòng. Đặc biệt, nhiều khách XNC cho rằng, ưu điểm lớn nhất của việc cấp thị thực điện tử là giảm được nhiều thời gian so với trước đây.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, Thượng tá Tạ Huy Dũng, Phó trưởng Phòng kỹ thuật nghiệp vụ, Cục Cửa khẩu (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) cho biết, việc thí điểm là tiền đề nhằm đánh giá và rút kinh nghiệm, để tiến tới áp dụng chính thức hình thức cấp thị thực điện tử đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Cấp thị thực điện tử có ý nghĩa rất quan trọng về chính trị, pháp lý, đối ngoại, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực XNC, tác động trực tiếp, tích cực đến phát triển kinh tế- xã hội, hội nhập quốc tế.
Cấp thị thực điện tử cũng sẽ bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi và tiết kiệm thời gian cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Đồng thời giảm nguồn lực của các cơ quan chuyên môn Việt Nam trong việc cấp thị thực. Việc thí điểm cấp thị thực điện tử nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, khảo sát thị trường, tìm cơ hội đầu tư, Thượng tá Tạ Huy Dũng nhấn mạnh.
Thượng tá Tạ Huy Dũng cũng cho biết, việc triển khai thị thực điện tử sẽ rút ngắn được thời gian làm thủ tục của du khách khi nhập cảnh vào Việt Nam, bởi mọi thủ tục đều hoàn toàn qua mạng internet. Du khách không phải đến trụ sở đăng ký, hay đến Đại sứ quán ở các nước để xin visa, thị thực, mà họ sẽ trực tiếp vào mạng thị thực điện tử của Bộ Công an khai, sau quá trình xét duyệt sẽ được cấp mã để khi đến cửa khẩu Việt Nam, du khách chỉ cần xuất trình giấy tờ, thị thực điện tử đã được cấp để lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát XNC đối chiếu. Việc làm thủ tục XNC sẽ được nhanh chóng, du khách sẽ không phải mất thời gian chờ đợi.
Để chủ động trao đổi thông tin với các đơn vị liên quan, cũng như để cán bộ biên phòng nắm vững quy trình, tạo điều kiện tối đa cho khách XNC, ngay khi Nghị quyết số 30/2016/QH14 được thông qua và Nghị định 07/2017/NĐ-CP được ban hành, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo Cục Cửa khẩu chủ trì phối hợp với Cục Quản lý XNC và Cục An ninh cửa khẩu, Tổng cục An ninh trong công tác trao đổi thông tin, thống nhất quy trình truyền nhận dữ liệu cấp thị thực điện tử. Đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai, bổ sung thiết bị, xây dựng phần mềm và tiến hành tập huấn cho chỉ huy của 17 bộ chỉ huy biên phòng tỉnh và cán bộ 20 đồn biên phòng cửa khẩu nắm vững các quy định liên quan đến thị thực điện tử cho khách XNC. Bên cạnh đó, hướng dẫn thực hiện đảm bảo công tác kiểm soát người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử nhập-xuất cảnh Việt Nam qua 20 cửa khẩu do Bộ đội Biên phòng quản lý từ ngày 1/2 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Mặc dù, bước đầu đi vào thí điểm đã thu được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, theo Thượng tá Tạ Huy Dũng, việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Nhiều người nước ngoài chưa cập nhật thông tin về việc Việt Nam cấp thị thực điện tử, nên số lượng đăng ký qua mạng internet chưa nhiều; hạ tầng về công nghệ thông tin của các đơn vị biên phòng cửa khẩu đòi hỏi phải được nâng cấp, cán bộ nhân viên cần được nâng cao trình độ về công nghệ thông tin và nghiệp vụ xử lý, giải quyết các tình huống liên quan đến việc làm thủ tục đối với người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử.
Có thể nói, thị thực điện tử được triển khai thực hiện có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước, phục vụ công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời đáp ứng yêu cầu giữ vững an ninh quốc gia, trật tự xã hội trong tình hình mới, và thể hiện quyết tâm cải cách thủ tục hành chính triệt để của Chính phủ, phù hợp với chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Nguồn: Công Ty Dịch Thuật Phú Ngọc Việt sưu tầm – Thị thực nhập cảnh, Giấy phép lao động