“Nhập lậu” lao động phổ thông
(TBKTSG) – Pháp luật Việt Nam chưa mở cửa cho lao động phổ thông các nước vào làm việc, nhưng trên thực tế đã có hàng chục ngàn lao động phổ thông vào Việt Nam mà các cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát. Vì sao?
Có phép và không phép
Tính đến ngày 31-3-2009, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TPHCM đã cấp mới giấy phép lao động cho 9.511 lượt lao động nước ngoài. Có đến 73 quốc gia có lao động làm việc tại TPHCM nhưng số lượng đông nhất thuộc về ba quốc gia châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc – chiếm 36,1%.
Ngoài Sở LĐ-TB-XH, Ban Quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp cũng có quyền cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài. Tại TPHCM, đến cuối năm 2008, Ban Quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp cũng đã cấp gần 1.500 giấy phép lao động cho người nước ngoài.
Như vậy, số lượng lao động nước ngoài được cấp phép lao động tại TPHCM hiện nay là hơn 11.000 người; còn số lao động không có giấy phép là bao nhiêu, các cơ quan chức năng vẫn chưa thể có câu trả lời. Theo ước đoán của Sở LĐ-TB-XH TPHCM thì con số này không hề nhỏ.
Tuy nhiên, theo một quan chức của Bộ LĐ-TB-XH, không phải địa phương nào cũng có con số thống kê đầy đủ về số lao động nước ngoài được cấp phép như TPHCM.
Số liệu Bộ LĐ-TB-XH tổng hợp chưa đầy đủ từ các Sở LĐ-TB-XH, cho thấy: hiện nay cả nước có khoảng 53.000 lao động nước ngoài; nhưng số lượng chính xác bao nhiêu lao động được cấp giấy phép và bao nhiêu lao động không có giấy phép, cơ quan này cũng chưa rõ!
Các báo cáo gần đây của Sở LĐ-TB-XH TPHCM cho thấy một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa chấp hành nghiêm quy định pháp luật về sử dụng lao động là người nước ngoài. Có doanh nghiệp sử dụng số lượng lớn người nước ngoài không có giấy phép lao động như Công ty TNHH Pouyen, Công ty TNHH Giày da Huê Phong…
Hơn nữa, với việc có nhiều nhà thầu nước ngoài, nhất là nhà thầu Trung Quốc, nhận thầu thi công các dự án như dự án cải thiện môi trường nước, các dự án cầu đường… số lượng chuyên gia và công nhân vào làm việc cho nhà thầu luôn thay đổi theo từng hạng mục dự án dẫn đến tình trạng số lao động nước ngoài luôn biến động, rất khó kiểm soát.
Theo một thanh tra Sở LĐ-TB-XH TPHCM thì số lao động nước ngoài chưa có giấy phép lao động đa phần là lao động phổ thông – vì pháp luật Việt Nam không cấp phép cho đối tượng này làm việc tại Việt Nam. Theo vị thanh tra này thì có trường hợp một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng hơn 300 lao động phổ thông Trung Quốc không có giấy phép lao động. Và thành phố cũng đang đứng trước làn sóng “nhập khẩu” lao động từ các nước châu Phi…
Trong khi đó, trên phạm vi cả nước, nhiều công trình như Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh, công trình Khí điện đạm Cà Mau, Nhà máy bauxite Tân Rai, Nhà máy Nhiệt điện than Hải Phòng… đang có hàng ngàn lao động phổ thông Trung Quốc làm việc. Thống kê sơ bộ của Bộ LĐ-TB-XH cho biết hiện có không dưới 25.500 lao động Trung Quốc tại Việt Nam. Một nguồn tin khác cho hay, lao động Trung Quốc có mặt tại khoảng 40 dự án.
Quản lý “nhập lậu” bằng cách nào?
Một báo cáo của Sở LĐ-TB-XH TPHCM đánh giá về hiện trạng lao động không phép như sau: “Doanh nghiệp trong ngành nghề giày da, may mặc… không cần có trình độ chuyên môn cao mà tuyển lao động nước ngoài trên cơ sở kinh nghiệm; và cũng xuất phát từ thực tế một số doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Trung Quốc, định hướng hoạt động theo hình thức công ty gia đình, chủ đầu tư tìm mọi cách đưa người thân, người quen không đảm bảo điều kiện làm việc tại Việt Nam vào làm việc…”.
Vẫn theo Sở LĐ-TB-XH TPHCM, sở dĩ lao động phổ thông nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam được là vì ngành Công an và ngành Ngoại giao chưa có sự phân biệt rõ giữa ba loại thị thực gồm: C1 (cấp cho người vào Việt Nam du lịch); C2 (cấp cho người vào Việt Nam với mục đích khác); D (cấp cho người vào Việt Nam không có cơ quan, tổ chức, cá nhân mời đón). Do đó, có hiện tượng người nước ngoài lợi dụng sự nhập nhằng giữa ba loại thị thực này để vào Việt Nam làm việc “chui”.
Nhập cảnh vào Việt Nam để làm việc sai mục đích thị thực là hiện tượng khá phổ biến hiện nay. Trong đợt khảo sát mới đây của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tại Nhà máy bauxite Tân Rai, có đến 200 trường hợp lao động Trung Quốc sử dụng thị thực du lịch. “Việc gia hạn visa hiện nay rất dễ dàng nếu nhờ qua các công ty chuyên về dịch vụ này”, nhân viên một công ty dịch vụ du lịch ở TPHCM nói.
Thực ra công tác quản lý nhà nước về lao động nước ngoài cũng còn nhiều bất cập – chủ yếu dựa trên sự tự giác chấp hành pháp luật của doanh nghiệp và bản thân lao động nước ngoài. Do đó, các Sở LĐ-TB-XH địa phương chỉ có thể quản lý được số người nước ngoài thực hiện việc xin giấy phép lao động; đối với doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài cố tình vi phạm, tuyển dụng và sử dụng lao động nước ngoài không có giấy phép, các cơ quan chức năng thực sự gặp khó khăn trong việc kiểm soát.
Thực tế, Sở LĐ-TB-XH TPHCM đã tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra tình hình sử dụng lao động người nước ngoài tại các cơ quan tổ chức, đơn vị trên địa bàn; đồng thời cũng áp dụng nhiều biện pháp như nhắc nhở, xử phạt hành chính khi phát hiện vi phạm.
Tuy nhiên có một thực tế là văn bản quy phạm pháp luật quy định biện pháp chế tài về kinh tế chưa đủ sức răn đe – doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt và tiếp tục duy trì mối quan hệ với người lao động nước ngoài trái pháp luật trong khi đó biện pháp trục xuất lao động bất hợp pháp khỏi Việt Nam hầu như chưa có tiền lệ; công tác phối hợp giữa các ngành chức năng chưa chặt chẽ, các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này chưa đồng bộ.
Giải pháp trước mắt, theo Sở LĐ-TB-XH TPHCM, chỉ là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình sử dụng lao động nước ngoài; đồng thời kiến nghị xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng (trung ương và địa phương) trong việc quản lý lao động nước ngoài. Theo Sở, Bộ Công an cần kiến nghị Chính phủ sửa đổi bổ sung những quy định về nhập cảnh, có sự phân loại rõ mục đích nhập cảnh.
Về mặt chế tài về kinh tế (đối với doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài không có giấy phép lao động), biện pháp là nâng mức xử phạt; đồng thời đối với cá nhân người nước ngoài vi phạm đã bị xử phạt về hành chính nhưng không khắc phục trong thời hạn ba tháng thì các Sở LĐ-TB-XH có quyền đề nghị Bộ Công an trục xuất ra khỏi Việt Nam.
Nguồn: Thesaigontimes