Vượt qua nhiều thách thức trong năm 2016, du lịch Việt Nam đã có 1 năm khởi sắc khi lần đầu cán mốc 10 triệu lượt khách quốc tế – con số cao nhất kể từ khi đất nước bước vào thời kỳ mở cửa. Năm 2017, Việt Nam tiếp tục tạo dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn du khách, tạo bước đệm để ngành công nghiệp không khói thực sự bứt phá trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Khách quốc tế tăng ấn tượng
Khép lại năm 2016 ngành du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều kỷ lục ấn tượng: Đón hơn 10 triệu khách quốc tế, tăng 26% so với năm 2015, phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 400.000 tỷ đồng. Đây cũng là năm du lịch Việt Nam có mức tăng trưởng khách quốc tế kỷ lục với 2 triệu lượt khách so với 2015. Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường khách quốc tế lớn nhất, chiếm gần một nửa tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Trong đó, khách Trung Quốc đạt gần 2,7 triệu lượt, tăng 51,4%; khách từ Hàn Quốc và Nhật Bản đạt lần lượt 1,54 triệu và 0,74 triệu lượt, tăng tương ứng 38,7% và 10,3% so với cùng kỳ.
Ngày 25-12-2016, tại Phú Quốc, ngành du lịch đã tổ chức đón vị khách quốc tế thứ 10 triệu đến Việt Nam trong năm 2016. Nói về sự kiện này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, nhấn mạnh: “Sự kiện đón khách quốc tế thứ 10 triệu đến Việt Nam không chỉ là mốc son đánh dấu sự thành công của ngành, kỷ lục tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cao nhất từ trước đến nay, mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển của du lịch Việt Nam vươn tới những thành tựu lớn hơn nữa trong thời gian tới”.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu của ngành du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, du lịch Việt Nam sẽ thu hút 14-15 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng bình quân 12-14%/năm trong giai đoạn từ nay đến 2020; tổng thu từ khách du lịch đạt 29-32,5 tỷ USD, tăng trưởng 14-16%, đồng thời đóng góp 9-10% GDP; tạo ra 3,5 triệu việc làm, trong đó có 1,02 triệu việc làm trực tiếp; dịch vụ lưu trú du lịch, tổng số buồng lưu trú 600.000 buồng, trong đó 30-35% đạt chuẩn 3-5 sao. Cụ thể, năm 2017 ngành du lịch đặt mục tiêu đón 11,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng khoảng 1,5 triệu lượt khách so với năm 2016); 66 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 460.000 tỷ đồng.
Giải pháp phát triển
Có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ giúp ngành du lịch đạt được các mục tiêu này. Đó là việc cấp thị thực điện tử (e-visa) cho du khách nước ngoài chính thức được thí điểm vào ngày 1-2-2017, sẽ tạo sự chuyển biến về tiếp cận với khách du lịch nước ngoài, nhất là với các thị trường khách xa. Cùng với việc thí điểm cấp visa điện tử, 2017 cũng là năm đánh giá rõ ràng hơn hiệu quả từ chính sách miễn visa đối với công dân 5 nước Tây Âu sau 2 năm triển khai và thực hiện một cách có hiệu quả. Bên cạnh đó, dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) đã được trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV và sẽ sớm được bổ sung, hoàn thiện. Những điểm đổi mới trong Luật Du lịch (sửa đổi) được đặc biệt quan tâm, như điều kiện kinh doanh lữ hành, quy định về thẻ hành nghề hướng dẫn viên… kỳ vọng sẽ tạo ra một hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, tránh được các biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh, cũng như siết chặt quản lý kinh doanh lữ hành nội địa vốn bộc lộ nhiều lỗ hổng trong nhiều năm qua.
Năm 2017, công tác xúc tiến quảng bá sẽ được tăng cường và đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức. Ngoài các phương thức truyền thống như tham gia hội chợ, đón các đoàn du lịch đến tìm hiểu, tổ chức phát động thị trường tại nước ngoài, sẽ đẩy mạnh ứng dụng marketing điện tử. Tổng cục Du lịch dự kiến đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính tăng kinh phí từ nguồn dự phòng và các nguồn khác cho công tác quảng bá, xúc tiến; đồng thời tăng cường nguồn xã hội hóa cho hoạt động này.
Để chủ động triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch cũng như hỗ trợ các đơn vị xây dựng kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch, Tổng cục Du lịch đã chính thức thông báo kế hoạch xúc tiến du lịch năm 2017. Theo kế hoạch, Tổng cục Du lịch sẽ tham gia các hội chợ du lịch quốc tế ở trong và ngoài nước cùng các hoạt động bên lề. Trong đó có 4 hội chợ tại khu vực Đông Bắc Á; 2 hội chợ ở Đông Nam Á: TRAVEX trong khuôn khổ ASEAN Tourism Forum – ATF tại Singapore và TRAVEX 2018 tại Thái Lan; 4 hội chợ ở châu Âu. Về chương trình quảng bá, xúc tiến trong nước, Tổng cục Du lịch sẽ tham gia Hội chợ VITM và Hội chợ ITE-HCMC, đồng thời phối hợp đón đoàn Fam/press từ Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc, Iran, Australia đến khảo sát tại Việt Nam. Ngoài ra, ngành du lịch sẽ tham gia các hoạt động quảng bá theo chủ đề Năm Du lịch quốc gia tại Lào Cai và nhiều hoạt động khác.
Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong năm 2017 cần phải nỗ lực giải quyết tốt 2 tồn tại lớn về nhân lực và chất lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đánh giá: “Sự phát triển nguồn nhân lực chưa tương xứng với sự phát triển của lượng khách. Doanh nghiệp đang rất thiếu nguồn nhân lực có chất lượng để làm việc và nguy cơ nguồn nhân lực trong khu vực ASEAN sẽ tham gia tạo sự cạnh tranh gay gắt cho người lao động trong nước”. Chỉ tính riêng khả năng ngoại ngữ, ngành du lịch của Việt Nam vẫn còn khá yếu so với các nước trong khu vực. Tại nhiều hội thảo, hội nghị, vấn đề về phát triển nhân lực du lịch có chất lượng luôn được đưa ra bàn thảo. Cụ thể, cả nước có 346 cơ sở đào tạo du lịch nhưng phần lớn chất lượng đào tạo thấp nên doanh nghiệp phải tốn thêm kinh phí đào tạo lại sau tuyển dụng. Tỷ lệ được tuyển dụng của các sinh viên sau khi ra trường thấp do thiếu kỹ năng để làm việc, phần lớn sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ của các công ty tuyển dụng.
Cần nhìn lại chính mình
Thực tế, ngành du lịch Việt Nam đang bị yếu thế trong cạnh tranh so với các nước ASEAN: đứng sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines và chỉ xếp trên Lào, Campuchia, Myanmar. Số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng 27% của Thái Lan, 31% của Malaysia, 52% của Singapore. Tốc độ tăng trưởng du lịch của Việt Nam cũng không cao, bình quân 7% trong giai đoạn 2011-2015, trong khi ở Thái Lan và Singapore lần lượt 12% và 10%.
So với các nước thuộc nhóm dưới, Việt Nam cũng có tốc độ tăng trưởng trung bình thấp hơn so với Philippines (8%), Lào (15%) và Myanmar (51%). Hiện nay, Campuchia đã miễn thị thực cho 25 quốc gia, Lào miễn thị thực cho công dân của khoảng 40 quốc gia, nhưng Việt Nam mới miễn thị thực cho khoảng 22 quốc gia, trong đó có 9 nước ASEAN. Campuchia áp dụng hình thức e-visa gọn nhẹ dành cho hầu hết công dân các quốc gia trên thế giới. Lào áp dụng e-visa và thị thực tại cửa khẩu cho 150 quốc gia. Trong khi đó, tại Việt Nam Quốc hội đã cho phép thí điểm thực hiện việc này từ ngày 1-2 tới, nhưng đến nay thông tin về quy trình, cách thức thực hiện ra sao vẫn chưa được các cơ quan chức năng thông báo.
Thực tế này đang làm dấy lên câu hỏi liệu chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu năm 2020 du lịch Việt Nam sẽ cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới, phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là quốc gia có ngành du lịch phát triển? Bởi việc khách du lịch đến Việt Nam một lần ít khi quay lại lần 2, lần 3 vẫn còn đang hiển hiện. Hội nhập quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội làm việc ở nước ngoài cũng như trong nước, tuy nhiên điều này cũng đòi hỏi sự cạnh tranh lao động trong một thị trường mở ngày càng khốc liệt hơn khi tới đây sẽ có nhiều lao động nước khác đến làm việc tại Việt Nam. Khi các hiệp định quốc tế có liệu lực, những lao động thiếu năng lực đều có nguy cơ bị mất việc. Do đó, cần xây dựng một hệ thống bậc đào tạo tương đồng với trình độ tham chiếu các nước ASEAN.
Nguồn: Công Ty Dịch Thuật Phú Ngọc Việt sưu tầm – Miễn thị thực – Thị thực nhập cảnh