Trong một thông cáo báo chí vừa được đăng tải trên trang web Dịch vụ Quốc tịch và Nhập cảnh Mỹ (USCIS), chính quyền ông Trump cho biết sẽ tạm thời ngừng thủ tục xử lý nhanh những hồ sơ xin cấp visa H-1B.
Sự thay đổi này sẽ có hiệu lực từ ngày 3/4/2017 đối với tất cả các hồ sơ xin cấp visa H-1B và có thể kéo dài trong 6 tháng.
Đối với các công ty tại Thung lũng Silicon, những công ty sử dụng rất nhiều nhân viên nước ngoài và sang Mỹ bằng visa H-1B, động thái này sẽ là một dấu hiệu cho thấy từ nay việc duyệt xin visa sẽ kéo dài hơn rất nhiều. Dưới hệ thống hiện tại, một công ty tài trợ cho một nhân viên tương lai hoặc một nhân viên đang làm việc có thể sử dụng mẫu đơn xin cấp nhanh visa để rút ngắn quá trình xử lý hồ sơ. Sau khi trả thêm một khoản phí 1.225 USD cho dịch vụ này, USCIS sẽ trả lời yêu cầu trong khoảng 15 ngày, trong khi những hồ sơ xin cấp visa H-1B thông thường sẽ cần khoảng 3 – 6 tháng để xem xét.
Thông cáo báo chí này cho biết USCIS muốn “giảm thời gian xử lý H-1B nói chung”. Bằng cách tạm ngừng quy trình cấp nhanh, cơ quan này cho rằng mình sẽ có thể “xử lý những hồ sơ xin visa đã bị đình trệ lâu ngày và hiện không thể xử lý do có quá nhiều hồ sơ xin visa mới được nộp kèm khoản lệ phí này trong vòng vài năm trở lại đây”. USCIS cũng có biết họ sẽ “ưu tiên xem xét các yêu cầu gia hạn visa H-1B khi những visa này đến gần với mốc 240 ngày”.
Mặc dù vậy, việc tạm ngừng thủ tục cấp nhanh visa có thể làm xấu thêm mối quan hệ vốn đã không mấy tốt đẹp giữa Thung lũng Silicon và Tổng thống Donald Trump. Sau khi lệnh cấm nhập cảnh có hiệu lực ngắn ngủi của ông Trump ra đời, gần như tất cả các công ty công nghệ lớn đều lên tiếng chỉ trích động thái này và ủng hộ những chính sách ủng hộ nhập cư cũ của Mỹ cũng như ủng hộ những công dân mới là con cái của những lao động nước ngoài.
Cuộc tranh cãi về H-1B sẽ còn phức tạp hơn bởi số lượng visa H-1B được cấp mỗi năm lên tới 85.000, nhưng nhu cầu đã vượt xa khả năng cung nhiều lần trong những năm gần đây. Nhiều công ty tại Thung lũng Silicon, đứng sau là nhóm FWD.us của Facebook, đã lên tiếng yêu cầu chính phủ mở rộng chương trình H-1B để các công ty công nghệ có thể tiếp tục thuê những nhân công tay nghề cao ở nước ngoài.
Tuy nhiên những chỉ trích từ cả hai phe chính trường đều cho rằng chương trình này rất không hoàn thiện. Bởi hệ thống H-1B được vận hành như trò xổ số, các công ty CNTT Ấn Độ lớn như Infosys và Tata Consulting nộp lên hàng tá hồ sơ xin cấp visa rồi lôi kéo vô số nhân viên Ấn Độ tới Mỹ dưới dạng nhân viên hợp đồng. Điều này không nhằm giúp những người đang dùng visa H-1B ở lại đất nước lâu dài mà trong một vài trường hợp nó còn nhằm thay thế các lao động người Mỹ.
Hiện tại, hai dự thảo luật, một từ phía đại diện đảng Dân chủ California, Zoe Lofgren, và một từ đại diện đảng Cộng hòa California Darrell Issa, đang cạnh tranh với nhau để nhận được sự chấp thuận của Quốc hội. Dù dự thảo nào được thông qua đi chăng nữa thì vẫn còn không ít những dự thảo nữa được đưa ra thảo luận. H-1B có thể sớm đến với những lao động lương cao và đưa ra thêm nhiều quy định cũng như hạn chế để bảo vệ các lao động Mỹ. Thời gian chờ đợi càng lâu thì những người ủng hộ lao động nhập cư tại Thung lũng Silicon lại càng nhìn ông Trump như kẻ thù.
Nguồn: Công Ty Dịch Thuật Phú Ngọc Việt sưu tầm – Hợp pháp hóa lãnh sự, Vietnam visa extension