QĐND Online – Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn kiến nghị chính sách miễn thị thực (xem miễn thị thực 5 năm) đối với một số nước nhằm thúc đẩy thị trường vận tải hàng không và du lịch. Hội đồng Tư vấn Du lịch cũng gửi công văn ủng hộ ý kiến của hai bộ trên khi đề xuất Chính phủ miễn thị thực cho khách du lịch đến từ các nước Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Ý, Úc, New Zealand, Ấn Độ và Canada.
> Dịch vụ visa > Gia hạn visa > Dịch thuật công chứng
Từ lâu, câu chuyện được, mất khi miễn thị thực vẫn gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch, việc mở rộng chính sách miễn thị thực cho khách du lịch đến Việt Nam sẽ tạo cơ hội thúc đẩy du lịch phát triển.
Khách du lịch quốc tế tham quan Đà Nẵng bằng xích lô. Ảnh: TTXVN. |
Theo báo cáo chuyên đề “Du lịch Việt Nam-Thực trạng và giải pháp phát triển” do Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch thực hiện, các nước trong khu vực là đối thủ cạnh tranh của du lịch Việt Nam có chính sách thị thực nhập cảnh rất thông thoáng. Để tạo thuận tiện cho khách du lịch, nhiều quốc gia thực hiện miễn thị thực nhập cảnh, đơn giản hóa thủ tục, ứng dụng công nghệ cấp thị thực qua mạng, thị thực tại cửa khẩu như: Singapore đã miễn thị thực cho công dân của hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ; Malaysia miễn thị thực nhập cảnh cho công dân của 155 quốc gia và vùng lãnh thổ; Thái Lan áp dụng miễn thị thực cho công dân của 55 nước, cấp thị thực tại cửa khẩu cho công dân 28 nước tại 24 cửa khẩu; Thái Lan và Campuchia đã hợp tác thực hiện chính sách thị thực chung. Campuchia, Indonesia, Myanmar và Philippines đã ký ý định thư về thiết lập hệ thống thị thực chung linh hoạt (6-2013); Trung Quốc đã miễn thị thực trong vòng 72 giờ cho công dân 51 nước quá cảnh tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Tứ Xuyên, Quảng Châu, Trùng Khánh, Đại Liên và Thẩm Dương.
Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), khách du lịch coi thị thực chủ yếu như một thủ tục áp đặt chi phí, bao gồm chi phí trực tiếp là lệ phí thị thực và các chi phí gián tiếp như khoảng cách, thời gian chờ đợi và mức độ phức tạp của quy trình cấp thị thực. Nếu những chi phí này vượt quá ngưỡng thì khách du lịch tiềm năng không muốn thực hiện chuyến đi nữa hoặc sẽ chọn một điểm đến thay thế.
Thủ tục thị thực nhập cảnh vào Việt Nam khó khăn hơn đã khiến khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam bị hạn chế so với các nước. Tại Hội thảo về tình hình Du lịch thế giới và tác động đến du lịch Việt Nam và Thực trạng và tác động của chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh đối với du lịch thế giới và Việt Nam tổ chức tháng 7-2014, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch Lê Tuấn Anh cho biết, theo Hiệp hội Lữ hành châu Á Thái Bình Dương (PATA), năm 2013, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia ASEAN có lượng khách du lịch quốc tế đến nhiều nhất, chủ yếu là các nước Đông Bắc Á (chiếm 49%), tiếp theo là Đông Nam Á (19%), châu Âu (14%), Bắc Mỹ (7%) và các nước khác (7%). Dự báo đến năm 2030, Đông Nam Á sẽ trở thành khu vực thu hút khách quốc tế lớn thứ 4 thế giới. Tuy nhiên, du lịch Việt Nam cũng phải đối diện với những thách thức không nhỏ từ sự cạnh tranh quyết liệt của các nước trong khu vực có ngành du lịch phát triển (Malaysia, Thái Lan, Singapore…), chính sách thị thực nhập cảnh, marketing du lịch…
Ông Đinh Ngọc Đức, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Hợp tác quốc tế cho biết: Hiện nay, Việt Nam đang miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 7 nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và áp dụng chính sách nhận thị thực tại cửa khẩu. Sau khi thực hiện việc miễn thị thực, lượng khách du lịch từ 7 quốc gia này đến Việt Nam đều có sự tăng trưởng đột biến. Từ kết quả này cho thấy, ngành du lịch cần có những giải pháp đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, tiếp tục áp dụng và mở rộng danh sách các quốc gia được miễn thị thực, thực hiện cấp thị thực điện tử, tham gia các thỏa thuận thị thực chung để thúc đẩy du lịch phát triển.
Bài học miễn thị thực cho khách du lịch của các nước trong khu vực và trên thế giới cũng như kết quả áp dụng miễn thị thực đối với một số thị trường khách tại Việt Nam cho thấy, nếu như đề xuất mở rộng chính sách miễn thị thực cho khách du lịch đến từ những thị trường nguồn quan trọng được phê duyệt sẽ trở thành động lực thúc đẩy nhu cầu du lịch, tăng cường thu hút du khách, tăng tổng thu từ khách du lịch và tạo việc làm, cũng như góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.
THU THỦY
Nguồn: Công Ty Dịch Thuật Phú Ngọc Việt Sưu tầm