Home Tin tức Kẹt xe, tắc đường làm khổ ngành du lịch TPHCM

Kẹt xe, tắc đường làm khổ ngành du lịch TPHCM

Chỉ đích danh nạn tắc đường là thủ phạm khiến cho du lịch của TP bị ảnh hưởng, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Viettravel chia sẻ, giao thông TP thực sự kinh khủng, khiến cho khách thường xuyên bị trễ.

Nhiều vấn đề được đưa ra mổ xẻ tại Hội nghị phổ biến, quán triệt, triển khai Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Chỉ thị số 07 của Ban Thường vụ Thành uỷ về nhiệm vụ phát triển ngành du lịch TPHCM đến năm 2020 diễn ra sáng nay.

Thoát tắc đường, bảo tàng nghỉ trưa

Chỉ đích danh nạn tắc đường là thủ phạm khiến cho du lịch TP bị ảnh hưởng, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Viettravel chia sẻ, giao thông TP thực sự kinh khủng, khiến cho khách thường xuyên bị trễ.

“Không thể tưởng tượng được tour của khách lại được khuyến cáo là phải ra sân bay trước 3 tiếng vì sợ trễ chuyến bay”, ông Kỳ bức xúc.

Bà Dương Thanh Thuỷ, chủ thương hiệu Miss Aodai và chuỗi trạm dừng Mekong cũng cho biết:

“Khách du lịch thường đi xe 50 chỗ, di chuyển trong TP rất khó. Trong lĩnh vực du lịch mua sắm, điều quan trọng là phải để khách có thời gian mua sắm, chứ kẹt xe thì sao khách yên tâm dừng lại để mua?”, bà Thuỷ cho biết.

Vậy nên có chuyện điểm bán hàng của doanh nghiệp tại đường Nguyễn Đình Chiểu có đến hàng ngàn mặt hàng khác nhau, nhưng hướng dẫn viên nhiều khi không thể đưa khách tới chỉ vì lý do kẹt xe.

Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Du Ngoạn Việt khẳng định, với tình hình tắc đường như hiện nay đưa khách du lịch đi khổ vô cùng.

Như các bảo tàng ở TPHCM mở cửa cho khách du lịch theo giờ, đến buổi trưa thì đóng cửa, khiến cho doanh nghiệp lữ hành cực kỳ bị động.

“Khi chúng tôi thoát được khỏi tắc đường thì lại đến giờ bảo tàng đóng cửa, doanh nghiệp đành phải tổ chức phương án khác để chờ mở cửa. Bảo tàng thì phải mở thông tầm, 8h sáng đến 4h chiều, còn chuyện nội bộ là việc của anh’, ông Anh bức xúc.

13 cuộc thanh, kiểm tra trong một năm

Lần đầu tiên được mời đến hội nghị của Thành ủy TP, Tổng Giám đốc khách sạn Sheraton Saigon Scott Hodgetts thẳng thắn nêu bất cập từ phía cơ quan chức năng.

Ông kể chỉ trong năm 2016, khách sạn Sheraton có tới 13 cuộc thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng, trung bình hơn 1 lần mỗi tháng.

Đồng tình cần thiết có các hoạt động thanh, kiểm tra nhưng vị Tổng giám đốc này cho rằng cần gỡ bỏ những cuộc kiểm tra không cần thiết, tốc độ của các cuộc kiểm tra cũng cần nhanh hơn.

Ông dẫn ngay bằng chứng, 4 năm qua Sheraton Saigon sản xuất bánh trung thu và mỗi năm lại có một quy định mới phải kiểm tra mà doanh nghiệp không hề biết.

Ông đề nghị TP.HCM cần có một kênh thông tin chính thức của cơ quan chức năng, cập nhật những quy định mới để doanh nghiệp có thể nắm bắt những thay đổi về ATVSTP, an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy.

Đề cập đến thực trạng khách du lịch quốc tế chỉ đến TP.HCM 1 lần rồi không quay trở lại, ông Scott cho rằng, TP.HCM cần phải cải cách nhanh chóng quá trình ghi nhận, phản hồi các vụ việc hay sự cố có liên quan đến khách du lịch quốc tế.

Tổng giám đốc Sheraton Saigon cũng mạnh dạn kiến nghị mở rộng hình thức cấp visa ngay tại cửa khẩu, đơn giản hoá thủ tục cấp visa, quảng bá đa dạng về sự an toàn tại các điểm đến và trên đường phố…

Khách nội địa ít nhất phải 30 triệu người

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng hoan nghênh và tiếp thu những ý kiến đóng góp và khẳng định phải sửa những bất cập. Việc nào giải quyết được ngay, không cần thời gian và tiền bạc thì làm ngay để Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đi vào hiệu quả.

“Thậm chí TP có thể xin cơ chế đặc thù, đột phá thí điểm xin cấp visa tại chỗ”, ông chia sẻ.

Bí thư nhấn mạnh: “Chúng ta đi trước về trước. Đến năm 2020 du lịch hoàn toàn có thể là ngành kinh tế mũi nhọn của TP. Du lịch phải đóng góp cho GDP thành phố từ 13-14%, độ lan toả phải đạt 17-18%. Khách nội địa ít nhất là phải 30 triệu người”.

Phản hồi kiến nghị liên quan ý kiến của khách sạn Sheraton Saigon, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến lưu ý, từ thời điểm này trở đi, tất cả các sở ngành quận huyện kiểm tra ngành du lịch phải trình kế hoạch lên TP, tránh trùng lặp.

“Ngành nào tự đi kiểm tra mà không trao đổi với doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm. Nếu cố tình như vậy chỉ có thể là nhũng nhiễu thôi”, PCT UBND TP kết luận chỉ đạo.

Việt Đông

Nguồn: Công Ty Dịch Thuật Phú Ngọc Việt sưu tầm – Làm giấy phép lao động, Thẻ tạm trú

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.