Điều kiện cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc ở Việt Nam đã có những thay đổi tích cực, góp phần tạo ra một môi trường làm việc thuận lợi. Dù vậy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn cho rằng, để tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam, các điều kiện vẫn cần được nới lỏng hơn nữa.
Công Thương – Theo kết quả khảo sát hơn 400 nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam của Nhóm Công tác nguồn nhân lực của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VDPF), vấn đề giấy phép lao động là 1 trong 3 vấn đề hàng đầu được các nhà đầu tư quan tâm. Việc Chính phủ và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là những bước tiến tích cực được các nhà đầu tư nước ngoài hoan nghênh và đánh giá cao. Tuy nhiên, ông Colin Blackwell – Trưởng Tiểu Nhóm công tác – cho rằng, việc thực hiện các chính sách này cần được cải thiện một cách rõ ràng vì đang ảnh hưởng nhiều đến nhân sự hoạt động tại một số ngành đặc thù như giảng viên tại các cơ sở giáo dục đào tạo cũng như các trung tâm đào tạo ngoại ngữ. Đồng thời, yêu cầu về hồ sơ chứng minh trình độ của các ứng viên vẫn là vấn đề khó khăn nhất cho việc xin giấy phép lao động tại Việt Nam.
Khảo sát năm 2014 của Nhóm Công tác nguồn nhân lực cho thấy, có tới 65% các doanh nghiệp cho rằng, việc xin giấy phép lao động tại Việt Nam lâu gấp đôi so với các nước châu Á khác. |
Theo phản ánh của các nhà đầu tư, các nhân sự nước ngoài được cử đến làm việc tại Việt Nam trong thời gian ngắn, không kể thời gian làm việc là bao lâu, phải nộp đơn xin giấy phép lao động như các nhân viên nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam trong thời gian dài là không khả thi và bất hợp lý.
Mặt khác, kể từ khi Thông tư 03/2014/TT-Bộ LĐ-TB&XH có hiệu lực, các Sở LĐ-TB&XH ở một số tỉnh yêu cầu người lao động nước ngoài có mặt tại Việt Nam chỉ trong vài ngày hoặc chỉ đến một lần đến cơ quan công an địa phương để xin phiếu lý lịch tư pháp tại Việt Nam bên cạnh phiếu lý lịch tư pháp tại nước ngoài để hoàn thành hồ sơ xin giấy phép lao động. Các chuyên gia nước ngoài và nhà đầu tư đều cho rằng, đây là yêu cầu khó khăn, dễ gây nản lòng nhân sự nước ngoài tại Việt Nam… Thông tư 03 cũng quy định, thời gian xử lý hồ sơ để nhận được văn bản chấp thuận sử dụng lao động nước ngoài của UBND địa phương là 15 ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, ở một số tỉnh, thành phố, thời gian cấp phép lên tới 60 ngày. Nếu các tồn tại trên được điều chỉnh sẽ mở ra tiềm năng lớn cải thiện khả năng cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam.
Thúy Ngọc