(Tổ Quốc)- Đứng đầu bảng về số lượng khách đến Việt Nam đông nhất năm 2016 vẫn là thị trường Đông Bắc Á, trong đó Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản dẫn đầu.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tính tổng số khách quốc tế đến Việt Nam năm 2016 đạt 10.012.735 lượt khách, tăng 26,0% so với cùng kỳ năm 2015. Năm 2016 cũng là năm đánh dấu lần đầu tiên du lịch Việt Nam cán mốc 10 triệu khách quốc tế, đạt kỷ lục tăng trưởng 2 triệu khách trong một năm và cán đích trước 4 năm so với mục tiêu ban đầu đề ra tại Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Vậy những thị trường khách nào chiếm tỷ lệ đông nhất trong số 10 triệu khách quốc tế đến Việt Nam?
Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản dẫn đầu
Theo phân tích của Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch), đứng đầu bảng về số lượng khách đến Việt Nam đông nhất trong số hơn 10 triệu khách quốc tế đến Việt Nam năm 2016 vẫn là thị trường Đông Bắc Á, trong đó Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng cao. Thống kê cho thấy, riêng nhóm thị trường Đông Bắc Á gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn quốc, Hồng Kông, Đài Loan đã đạt 5.523.237 lượt, chiếm 55,16% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam và cũng là nhóm có hai quốc gia đạt trên một triệu khách đến Việt Nam năm 2016 là Trung Quốc (2,7 triệu lượt), Hàn Quốc (1,5 triệu lượt).
Theo nhận định của Tổng cục Du lịch, trong năm 2016, lượng khách Đông Bắc Á đến Việt Nam ngày càng tăng trưởng về số lượng và có mức chi tiêu cao hơn so với trước đây. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc đã tăng 1 triệu lượt khách so với năm 2015. Bên cạnh đó, nếu trước đây khách Trung Quốc sang Việt Nam qua đường bộ rất đông, chi tiêu ít thì năm nay đã thấy xuất hiện nhiều chuyến bay riêng đến Việt Nam và mức chi tiêu cao hơn trước. Dự kiến trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ triển khai điều tra về mức chi tiêu của thị trường này.
“Số lượng người dân Trung Quốc đi du lịch nước ngoài vào năm 2014 đã lên con số 100 triệu lượt và 120 triệu lượt vào năm 2015. Xu hướng này tiếp tục tăng do thu nhập người Trung Quốc tăng, tình hình ô nhiễm môi trường và xu hướng thay đổi cách sử dụng thu nhập của người dân Trung Quốc. Theo dự đoán, số lượng người dân Trung Quốc đi du lịch outbound có thể đạt con số 220 triệu người vào năm 2020. Bây giờ trên thế giới không có quốc gia nào phát triển du lịch mà không quan tâm đến thị trường Trung Quốc” – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhận định.
Đối với thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, Tổng cục Du lịch cho biết, cùng với làn sóng đầu tư từ hai quốc gia này vào Việt Nam ngày càng mạnh thì số lượng du khách Hàn Quốc và Nhật Bản vào Việt Nam càng tăng. Đặc biệt, hiện nay dòng khách người cao tuổi và sinh viên Nhật Bản và Hàn Quốc đến Việt Nam rất nhiều, thời gian lưu trú và mức chi tiêu đều cao hơn trước.
Tây Âu tăng trưởng mạnh chưa từng thấy
Nhóm thị trường tăng trưởng tốt tiếp theo trong năm qua là các nước Asean gồm Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Phillippines, Singapore đạt 1.461.172 lượt chiếm 14,59% tổng lượt khách quốc tế đến. Trong đó cao nhất là Malaysia đạt 407.574 lượt khách.
Năm vừa qua cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của thị trường Tây Âu, đặc biệt là 5 nước được Việt Nam miễn thị thực đơn phương, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ. Việc tăng tỷ lệ 20% với những thị trường xa như Tây Âu là điều hiếm có và chưa từng có ở Việt Nam. Điều này đã góp phần giúp đẩy nhóm thị trường các nước châu Âu đạt 1.445.029 lượt khách, chiếm 14,43% tổng lượt khách đến Việt Nam năm 2016. Trong đó, nước đến nhiều nhất là Nga với 443.987 lượt.
Nhóm thị trường Mỹ và châu đại dương gồm Mỹ, Canada, Úc, New Zealand ước đạt 1.038.839 lượt, chiếm 10,38% tổng số khách đến Việt Nam năm 2016. Trong đó nước đến nhiều nhất là Mỹ với 552.644 lượt. Nhóm các thị trường khác ước đạt 544.458 lượt, chiếm 5,44% tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2016
Năm 2016, khách du lịch nội địa đạt 62 triệu lượt khách (trong đó, khách lưu trú đạt 29,2 triệu lượt); Tổng thu từ khách du lịch đạt 400.700 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2015. Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, mức tăng trưởng của du lịch Việt Nam trong năm qua tuy chưa thể so với các nước trong khu vực, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay thì đó là mức tăng trưởng hết sức ngoạn mục. Sự kiện này là động lực quan trọng để ngành Du lịch tiếp tục phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hàng đầu trong khu vực ASEAN.
Năm 2017, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 11,5 triệu khách quốc tế và 66 triệu du khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 460 tỷ đồng./.
Du khách Trung Quốc ồ ạt sang Việt Nam
(NLĐO) – Trong năm 2016, Việt Nam đón hơn 10 triệu lượt khách quốc tế từ khắp các thị trường nhưng riêng Trung Quốc đã có tới gần 2,7 triệu lượt, tăng kỷ lục so với những năm trước.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 12-2016 đạt 897.300 lượt, giảm 4,2% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2016, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 10,01 triệu lượt, tăng 26% so với năm trước (tăng hơn 2 triệu lượt khách). Trong năm 2016, với các chính sách, nỗ lực thu hút khách du lịch được triển khai như miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, ứng dụng công nghệ mạng e-marketing, triển khai chương trình quảng bá du lịch trên truyền hình, phương tiện truyền thông, đại chúng, theo cơ quan thống kê, lần đầu tiên Việt Nam đón trên 10 triệu lượt khách quốc tế, gấp 2 lần lượng khách quốc tế đến nước ta năm 2010.
Trong đó, riêng lượng khách Trung Quốc đã đạt hơn 2,69 triệu lượt tăng 51,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức tăng kỷ lục của khách Trung Quốc đến Việt Nam trong những năm qua. Năm ngoái, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam chỉ hơn 1,78 triệu lượt.
Đáng lưu ý, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam hiện chiếm hơn 1/5 tổng lượng khách quốc tế từ khắp các thị trường. Gần đây, hàng không cũng liên tục mở các đường bay thẳng từ các tỉnh, thành phố của Trung Quốc tới những địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam như Nha Trang, TP HCM, Phú Quốc… kích thích nhu cầu của du khách Trung Quốc tới nước ta.
Nguồn: Công Ty Dịch Thuật Phú Ngọc Việt sưu tầm – Thẻ tạm trú – Giấy phép lao động